Lịch sử Tàu_tuần_dương_hạng_nhẹ

Vào cuối thế kỷ 19, tàu tuần dương được phân loại thành hạng nhất, hạng nhì và hạng ba dựa vào khả năng. Tàu tuần dương hạng nhất tiêu biểu thường là tàu tuần dương bọc thép, với đai giáp hông, và chúng thường khó phân biệt với những thiết giáp hạm tiền-dreadnought cỡ nhỏ. Tàu tuần dương hạng nhì và hạng ba nhẹ hơn, rẻ tiền hơn và nhanh hơn, thường chỉ có sàn tàu bọc thép và các hầm than bảo vệ thay vì lườn tàu bọc thép, và thường được biết đến như là tàu tuần dương bảo vệ. Những chiếc tàu tuần dương nhỏ vận hành bằng hơi nước đầu tiên được chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Anh Quốc là chiếc HMS Mercury được hạ thủy vào năm 1878.[1] Những chiếc tàu tuần dương bảo vệ hạng nhì và hạng ba như vậy dần dần tiến hóa, trở nên nhanh hơn, vũ khí mạnh hơn và được bảo vệ tốt hơn.

Đức có ưu thể dẫn đầu trong thiết kế tàu tuần dương hạng nhẹ trong những năm 1890, chế tạo một lớp các tàu tuần dương nhanh, được hải quân các nước khác bắt chước. Những chiếc này vận hành bằng nồi hơi đốt than và động cơ hơi nước chuyển động qua lại, và phụ thuộc một phần vào sự sắp xếp các hầm than như là sự bảo vệ. Việc áp dụng nồi hơi ống nước đốt dầu và động cơ turbine hơi nước đã khiến cho những tàu tuần dương cũ này nhanh chóng trở nên lạc hậu. Hơn nữa, hệ thống động lực mới khiến không thể dựa vào việc bảo vệ bằng các hầm than, vốn đã được dầu thay thế, nên phải áp dụng một hình thức bảo vệ hông nào đó. Nhóm Bristol thuộc lớp tàu tuần dương Town (1909) trở thành thiết kế đột phá từ các kiểu trước đó, với động cơ turbine hơi nước đốt than và dầu hỗn hợp, vỏ giáp bảo vệ hông dày 51 mm (2 inch) cũng như là sàn tàu. Do đó, theo định nghĩa, chúng là những tàu tuần dương bọc thép cho dù trọng lượng rẽ nước chỉ có 4.800 tấn; kiểu tàu tuần dương hạng nhẹ đã ra đời. Những tàu tuần dương hạng nhẹ hiện đại đầu tiên thuộc lớp Arethusa (1911) có nồi hơi đốt toàn bộ bằng dầu và sử dụng động cơ nhẹ cân kiểu tàu khu trục để có thể đạt được tốc độ 53,7 km/h (29 knot).